Gần đây, trên một số phương tiện truyền thông đã thông tin dùng phối hợp mật ong và bột quế chữa nhiều bệnh, tuy nhiên sử dụng bừa bãi, tùy tiện về liều lượng và thời gian... có thể gây hại cho bản thân.
Mật ong và bột quế là hai vị thuốc quen thuộc trong nhân dân, được nhân dân sử dụng chữa các bệnh thông thường.
Song gần đây, trên một số phương tiện truyền thông đã thông tin dùng phối hợp mật ong và quế chữa nhiều bệnh, thậm chí cả ung thư nên nhiều người mua về dùng mà không biết việc sử dụng bừa bãi, tùy tiện về liều lượng và thời gian... có thể gây hại cho bản thân. Bởi theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thuốc hỗn hợp từ mật ong và quế không phải ai cũng dùng được và hai vị thuốc này cũng có những chống chỉ định khi dùng.
Theo Đông y, mật ong có vị ngọt, mùi thơm, tính bình, tác dụng bổ khí, nhuận tràng, hoạt trường, giải độc, giảm đau dùng bổ ngũ tạng, tăng cường thể lực toàn thân cho người lớn, trẻ em, người đau đại tràng – dạ dày, đại tiện táo kết, an thần, chữa suy nhược thần kinh, ho khan, viêm họng...
Quế có vị cay ngọt, tính đại nhiệt, hơi có độc, vào 2 kinh can và thận. Có công dụng bổ hoả, hồi dương, ấm thận, tỳ, tán hàn hoạt huyết. Có tác dụng chữa thũng, đại tiện lỏng, kinh bế do hàn, giải biểu tán hàn, hoá khí, trị kinh giản, chân tay co quắp, lưng gối đau, tê, tiểu tiện không thông...
Mặc dù mật ong và quế là hai vị thuốc quý trong y học cổ truyền, đều có những công dụng tốt. Tuy nhiên nếu dùng hỗn hợp hai vị trên cần hết sức thận trọng.
Hai vị thuốc trên cũng có những chống chỉ định:
Mật ong không nên dùng cho phụ nữ mang thai vì mật ong kích thích tử cung co lại, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
Người bị bệnh huyết áp thấp, trong mật ong chứa một chất giống như là Acetylcholine có tác dụng giảm huyết áp.
Người bệnh đái tháo đường vì mật ong có chỉ số đường cao nên không thích hợp cho người mắc bệnh này.
Người rối loạn chức năng đường ruột, mật ong có thể làm cho đường ruột co thắt mạnh, dẫn đến rối loạn chức năng đường ruột, gây ra các chứng như đi ngoài, táo bón...
Người dễ bị dị ứng, mật ong chứa các hợp chất xúc tác những người bị dị ứng với thức ăn và thuốc thì nên kiêng sử dụng...
Trong khi đó quế đại nhiệt nên không dùng được cho người âm hư dương thịnh, người tăng huyết áp, người đang bị viêm nhiễm cấp tính, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi...
Do vậy, việc sử dụng hai vị thuốc trên một cách tùy tiện về liều lượng, thời gian sử dụng mà không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không biết tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, lứa tuổi... là không an toàn và có thể gây hại đến tính mạng.
Đơn cử, với những trường hợp tăng huyết áp nếu sử dụng hai vị thuốc trên không có chỉ định của bác sĩ có thể tăng huyết áp đột ngột, dễ đột quỵ. Hoặc với những người bệnh đái tháo đường nếu dùng kéo dài và thường xuyên sẽ tích tụ lượng đường trong cơ thể gây khó khăn cho điều trị.
Để đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng, khi dùng bài thuốc hỗn hợp mật ong và quế cần thận trọng không vì mách bảo là thuốc quý hay “thần dược” trị bá bệnh… mà tuỳ tiện sử dụng, chuốc họa vào thân. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có chỉ định khi dùng.
Không lên kết hợp tuỳ tiện dùng mật ong với quế
Mật ong kết hợp với quế chữa nhiều bệnh, nhưng không phải ai cũng dùng đuợc. Gần đây, trên một số phương tiện truyền thông đã phổ biến bài thuốc mật ong và quế được cho là bài thuốc quý, giúp chữa trị hiệu quả nhiều loại bệnh. Nhiều người chưa rõ thực hư đã vội mua cho người thân dùng, không biết rằng hai vị thuốc này cũng có những cấm kỵ.
"Mật ong nhuận trường nên không dùng cho người có thai; vì có chỉ số đường cao nên không thích hợp với người bệnh tiểu đường, Quế đại nhiệt nên không dùng được cho người âm hư dương thịnh, người cao huyết áp, người đang bị viêm nhiễm cấp tính"
Không phải ai cũng dùng được
Theo đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí, nhuận táo, hoạt trường, giải độc; có thể dùng làm thuốc bổ toàn thân và chữa các chứng tỳ vị hư nhược, táo bón, ho, đau bụng. Dùng ngoài chữa lở miệng, phỏng và một số trường hợp nhiễm trùng, nấm. Nghiên cứu hiện đại cho biết, mật ong có hàm lượng của đường fructose (khoảng 38,5%) và glucose (khoảng 31%), một số đường maltose, sucrose, nhiều vitamin, chất khoáng, nhiều hợp chất chống oxy hoá và các enzym hữu ích như chrysin, pinobanksin, catalase, pinocembrin...
Quế có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, tác động vào hai kinh can và thận. Quế có thể sử dụng chữa các chứng chân tay lạnh, tả lỵ hoặc đau bụng do lạnh, bế kinh, tiêu hoá kém, đau khớp.
Mật ong và quế mặc dù là hai vị thuốc quý trong y học cổ truyền, dùng phối hợp có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh, tuy nhiên chúng cũng có nhiều chống chỉ định: mật ong nhuận trường nên không dùng cho người có thai; vì có chỉ số đường cao nên không thích hợp với người bệnh tiểu đường.
Quế đại nhiệt nên không dùng được cho người âm hư dương thịnh, người cao huyết áp, người đang bị viêm nhiễm cấp tính. Do đó, người bệnh cần hết sức cảnh giác khi áp dụng bài thuốc này. Không nên vì những lời phóng đại thuốc quý, thần kỳ, trị bá bệnh… mà tuỳ tiện sử dụng.
Dùng sao mới hiệu quả?
Trong kinh nghiệm điều trị đông y, đã ghi nhận một số cách dùng phối hợp mật ong và quế, giúp đem lại tác dụng tích cực cho sức khoẻ: chống mệt mỏi, lão hoá; phục hồi sự dẻo dai, linh hoạt; phòng ngừa bệnh tim mạch; chữa da nhiễm trùng; bị nấm, mụn…
Nhiều báo cáo về liệu pháp tự nhiên cũng cho biết dùng mật ong và quế thường xuyên sẽ hiệu quả trong cải thiện tình trạng mất thính lực, điếc hoặc khó sinh do suy nhược.
Tuy nhiên trước khi dùng, phải hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của mình đang như thế nào. Chỉ tính riêng cao huyết áp, đã có những số liệu cho biết, tại các thành phố lớn cứ bốn người trưởng thành có một người bị và 50% trong số này không biết mình cao huyết áp. Những người cao huyết áp nếu dùng bài thuốc mật ong và quế, rõ ràng là không an toàn.
Ngoài ra cũng phải lưu ý đến liều dùng: liều dùng trung bình của mật ong là từ 20g đến 50g/ngày; quế là từ 0,5g đến 5g/ngày.
Lưu ý: việc phối hợp bài thuốc này với các loại thuốc đang dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Quế đã tán hoặc xay nhuyễn nên giữ trong lọ đậy kín và chỉ dùng trong vòng vài tuần để tránh giảm chất lượng. Không nên chứa mật ong trong đồ đựng bằng kim loại để tránh mật ong biến chất do tác dụng với kim loại.
Một số cách dùng mật ong và quế:
Giảm cholesterol xấu trong máu: trộn một muỗng cà phê mật ong và một muỗng cà phê bột quế thành hỗn hợp sền sệt rồi quết lên bánh mì đen dùng như điểm tâm sáng. Ăn đều đặn có thể làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu.
Cải thiện chứng đau khớp: trộn hai muỗng càphê mật ong và một muỗng càphê bột quế trong ly nước ấm. Uống nóng, ngày hai lần. Không dùng trong trường hợp đang bị sưng, nóng, đỏ, đau. Cũng có thể dùng một phần quế, một phần mật ong pha với chút nước ấm thành hỗn hợp sền sệt bôi vào chỗ đau khớp. Mật ong và quế giúp tán hàn trừ thấp, giảm đau rất tốt trong nhiều chứng đau khớp mãn tính.
Chữa đau răng: dùng mật ong và bột quế trộn với nhau cho sền sệt rồi đắp lên chỗ răng đau. Làm vài lần mỗi ngày. Lưu ý, không uống mật ong và quế khi đau răng hoặc viêm chân răng.
Trị rối loạn tiêu hoá, viêm loét dạ dày: dùng một muỗng càphê bột quế và hai muỗng càphê mật ong sẽ giúp giảm các triệu chứng đầy hơi, đau bụng do tiêu hoá kém. Ngày dùng hai lần, phối hợp với ăn uống điều độ, ít mỡ và tránh ăn quá no.
Chữa hôi miệng: súc miệng mỗi sáng và sau khi ăn với hỗn hợp nước nóng có pha mật ong và một chút bột quế.
Dưỡng tóc, hạn chế rụng tóc và hói đầu: dùng một muỗng canh mật ong và một muỗng cà phê bột quế trộn với dầu ôliu hoặc dầu mè thành dung dịch bôi lên đầu khoảng 15 phút trước lúc tắm gội.
Trị mụn: lấy ba muỗng canh mật ong và một muỗng cà phê bột quế trộn sền sệt, bôi lên chỗ mụn trước khi ngủ. Sáng hôm sau rửa mặt bằng nước ấm. Làm liên tục trong một tuần.